DANH MỤC SẢN PHẨM

Vài dòng tản mạn về Apple, thời kỳ “hậu Jony Ive”

Taka Trần
Th 5 04/07/2019

Có lẽ tin tức khiến anh em mê công nghệ quan tâm nhất nhiều ngày qua chính là việc Jony Ive, sau gần 30 năm làm việc ở Apple, đã rời khỏi tập đoàn này để thành lập LoveFrom cùng người bạn, người cộng sự lâu niên Marc Newson:

Đang tải Tinhte_Apple8.jpg…

Ngay lập tức 500 anh em phóng viên công nghệ rần rần lên tin bài. Hầu hết đều có chung hai lối suy nghĩ: 1. Jony không còn mặn mà với Apple nữa, nên muốn rời đi sau khoảng thời gian mệt mỏi tự mình cầm lái việc phát triển thiết kế những sản phẩm của Apple, và 2. Apple không có Jony Ive thì chắc chắn suy thoái.

Suy cho cùng, hai lối suy nghĩ này gần như đối chọi lại với nhau.

Đang tải Tinhte_Apple6.jpg…

Những bài viết trên mạng internet cố gắng tô vẽ Jony Ive giống như một huyền thoại trong giới thiết kế, nhưng rồi bỏ rơi những người đồng nghiệp và chính công ty mà ông giúp sức gần 3 thập kỷ và giúp biến Apple trở thành một trong những công ty có giá trị vốn hóa cao nhất hành tinh. Nhưng rồi họ lại tiếp tục cho rằng Apple mà không có Jony Ive thì sẽ chẳng đi đến đâu. Anh em thấy mâu thuẫn rồi chứ?

Mỉa mai thay, những người tự gọi là phóng viên bắt đầu bẻ cong câu chữ của những người có liên quan tới sự việc. Dylan Byers đăng đoạn email vô cùng trung lập, lịch sự và thẳng thắn của CEO Tim Cook lên Twitter và mô tả nó bằng tính từ “ghê gớm” (scathing, ngữ cảnh này dùng từ ghê tởm thì hơi sai?). Tờ Journal thì đưa ra câu hỏi: “Vì sao nhiều năm qua Apple không có nổi một sản phẩm hit? Hãy nhìn vào drama nội bộ xoay quanh sự ra đi của giám đốc thiết kế và bạn sẽ có câu trả lời”. Nếu đây không phải câu view, mình cũng chẳng biết nó là cái gì nữa.

Đang tải Tinhte_Apple4.jpeg…

Nhiều nhà phân tích sau khi theo sát Apple nhiều năm qua cho rằng, những năm cuối cùng của Jony tại Apple chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, lấy bằng chứng là những cuộc phỏng vấn với báo chí rất sơ sài và ít ỏi, chứ không xuất hiện với tần suất ồn ào như Tim Cook. Hồi năm 2015, họ cho rằng Jony Ive muốn tập trung thiết kế, thay vì giải quyết những công việc bàn giấy của Apple. Cũng không trách được, những năm qua là khoảng thời gian Apple phải đối mặt với thử thách quản lý khổng lồ: Sản lượng tăng vọt, sản phẩm trở nên da dạng, và đi kèm với đó là tuyển thêm rất rất nhiều nhân sự mới để quản lý guồng máy khổng lồ mà Apple đang sở hữu.

Ben Bajarin của Creative Strategies cho rằng: “Những người phê phán Apple chắc toàn những người ăn mày dĩ vãng. Họ muốn Apple quay trở lại thời kỳ những thiết kế ấn tượng, đột phá, mang tính biểu tượng và thậm chí gây tranh cãi trong cộng đồng. Nhưng đó là cái thời Apple chỉ bán được vài chục triệu sản phẩm, chứ không phải hàng trăm triệu như bây giờ. Đó là điểm quan trọng nhất mà hầu hết những người bàn luận về Apple đều quên.”

Đang tải Tinhte_Apple5.jpg…


Sự phát triển đó đồng nghĩa với việc Jony sẽ phải kiêm nhiệm cả việc quản lý quá trình thiết kế lẫn quản lý nhân sự, hay nói đúng hơn là dạy cho những người mới biết cách làm việc sao cho hiệu quả nhất tại Apple. Nhưng nhiều năm qua, Jony có thể không làm việc thứ hai. Ông tổ chức những cuộc họp nhóm thiết kế tại nhà riêng ở San Francisco, rồi họ ngồi ở club The Battery San Francisco để đối chiếu ý kiến cá nhân của từng nhà thiết kế về một thiết bị đang phát triển. Ông có studio kiêm nhà riêng ở Hawaii và London. Rõ ràng Ive bỏ nhiều thời gian chu du những thành phố này nhiều hơn việc ông ngồi ở tổng hành dinh của Apple. Những đồng nghiệp của ông ở Apple dần ít thấy mặt ông hơn.

Chính bản thân Ive cũng nói một cách rõ ràng, ông đã mệt. Làm gì có nhà thiết kế đúng nghĩa nào muốn quản lý nhiều hơn và thiết kế ít đi?

Đang tải Tinhte_Apple2.jpg…

Việc cho rằng Apple đã chán Jony Ive nay đây mai đó không chịu ngồi một chỗ cũng chẳng hợp lý. Trong khoảng thời gian từ 2015 đến nay, Apple đã cho ra mắt không ít sản phẩm thành công, trong đó có cả Apple Watch. Một ai đó đã lên tiếng phê phán việc Ive muốn tạo ra một chiếc Apple Watch bằng vàng và cho rằng món đồ đó chẳng có giá trị gì với một sản phẩm công nghệ.

Nhưng, là một người vừa thích công nghệ vừa thích đồng hồ, Apple Watch vàng hoàn toàn có lý. Nó tạo ra cảm giác của một món đồ xứng đáng để bạn đeo hàng ngày, thay vì chỉ là một cục nhôm với pin và màn hình. Ấy là chưa kể, Jony muốn vậy. Ông là một người hâm mộ đồng hồ chính cống, cứ nhìn vào bộ sưu tập với Omega Speedmaster Professional hay Patek Philippe Nautilus 5711A của Ive là anh em có thể hiểu.

Đang tải Tinhte_Apple3.jpg…

Công bằng mà nói, việc tạo ra Apple Watch vàng cũng có thể coi như một cách Jony Ive thể hiện quyền lực của mình tại Apple. Apple cũng có thể nghĩ rằng Ive dựa vào quyền lực của ông để đi ngược lại lý tưởng về các thiết bị công nghệ bình đẳng cho tất cả mọi người, ai cũng mua và dùng được. Nhưng thực tế là, dưới bàn tay của Ive, Apple Watch đã giúp một tập đoàn công nghệ bước chân vào thế giới thời trang phụ kiện theo cách chưa có công ty nào làm được. Cũng trong khoảng thời gian đó, Apple ra mắt iPhone X trước kế hoạch vài tháng, và cập nhật phiên bản mới cho nhiều thiết bị, trong đó có chiếc iMac.

Nhóm phát triển sản phẩm ở Apple hẳn sẽ nhớ nhung khoảng thời gian Ive còn chịu bỏ thời gian ngồi với từng người trong số họ, khi Apple chưa phát triển và bán nhiều sản phẩm trong một năm như bây giờ. Và, không phải thứ gì Jony Ive chạm vào cũng trở thành kiệt tác. Bàn phím MacBook vẫn là thứ khiến nhiều anh em phát điên.

Nói như vậy không có nghĩa Jony Ive đã bẻ cong định hướng thiết kế của Apple như vài người ra rả.

Đang tải Tinhte_Apple12.jpg…

Là một giám đốc của một tập đoàn khổng lồ, mỗi lời nói trước công chúng đều phải cân nhắc kỹ càng. Jony Ive biết điều đó, nhưng ông vẫn nghĩ rằng mình có ích hơn ở một nơi nào đó khác chứ không phải Apple. Trong bài phỏng vấn với Financial Times, ông cho biết: “Tôi có tham vọng và cảm thấy mình cần phải trở nên có ích. Tôi cảm thấy mình cực kỳ may mắn khi được làm việc cùng những con người tuyệt vời trong hơn 30 năm qua, và đã được làm những dự án cuốn hút, giải quyết những vấn đề cực kỳ khó khăn.”

Ông đơn giản là muốn rút lui khỏi Apple, và đang làm đúng điều đó. May thay, Jony Ive rời Apple trong thời điểm công ty này rực rỡ hơn nhiều so với lúc ông đặt chân tới đây bắt đầu làm việc. Câu hỏi bây giờ chỉ còn là, hậu Jony Ive, Apple sẽ ra sao?

Apple đã đưa Evans Hankey và Alan Dye lên vị trí giám đốc mảng thiết kế mỹ thuật công nghiệp và giao diện người dùng, dưới quyền COO Jeff Williams.

Đang tải Tinhte_Apple1.jpg…

Apple là một công ty khác hoàn toàn so với năm 2007, cái thời iPhone đầu tiên ra mắt, và nó nên như vậy. Jony đã đem tới cho chúng ta những thiết kế và sản phẩm ấn tượng trong những năm qua, và giờ là lúc háo hức chờ xem những nhà lãnh đạo mới sẽ lèo lái con tàu Apple ra sao. Họ rất thông minh, không đưa một con người duy nhất lên nắm quyền thay thế hoàn toàn cho Jony Ive. Làm thế sẽ khiến người kế nhiệm cảm thấy mình đang bị so sánh trực tiếp, và hai người ở hai mảng khác nhau sẽ cho Apple thêm thời gian tìm ra định hướng cho những năm tới. Và rồi sau vài năm, một trong hai người Hankey và Dye sẽ trở thành giám đốc thiết kế của Apple, và chỉ có thời gian cũng như thành quả lao động của hai người họ mới tạo ra được câu trả lời.

Evans Hankey được chính Jony Ive chọn lựa để dẫn dắt nhóm thiết kế mỹ thuật công nghiệp. Cô đủ sức gánh trọng trách này, với vài trăm bằng sáng chế có tên của cô. Quan trọng hơn, Apple không chỉ tuyển người để làm việc, họ tuyển người để dìu dắt nhân sự và học hỏi từ họ. Đó là chính sách hoạt động mà Apple đã thực hiện từ rất lâu rồi. Chính sách này có thể sẽ là thứ giúp Apple tồn tại mà không cần tới sự hiện diện của Jony Ive. Ông vẫn sẽ giúp Apple, nhưng dưới danh nghĩa LoveFrom.

Nhiều bài viết thời gian qua tô vẽ Hankey và Dye giống như những con rối, không được làm bất kỳ điều gì nếu không có sự cho phép của Ive. Điều này không đúng, mà thật ra là bất khả thi. Jony Ive nay đây mai đó, không ở đại bản doanh Apple, thì làm gì có chuyện Apple tung ra sản phẩm đúng hẹn, ấy là chưa kể ra mắt sớm như iPhone X?

Đang tải Tinhte_Apple10.jpg…

Bản thân Alan Dye của mảng giao diện người dùng cũng bắt nhịp tốc độ làm việc ở Apple rất ấn tượng. Anh được những nhà thiết kế tại Apple nể trọng, khi chứng minh được rằng kết quả công việc luôn là thứ có sức nặng hơn lời nói. Một trong những thành tựu của Dye ở Apple chính là việc hợp nhất giao diện và cảm giác sử dụng iOS trên mọi nền tảng với bộ font San Francisco.

Đang tải Tinhte_Apple9.jpeg…

Có lẽ, một trong những chướng ngại lớn nhất mà Apple phải sửa chữa chính là iOS 7. Không phủ nhận việc iOS 7 thay đổi mạnh mẽ ra sao, nhưng việc Jony Ive đem những nhà thiết kế hình họa thay vì tương tác vào nhóm phát triển iOS 7 đã tạo ra một hệ điều hành di động đẹp, đổi mới hoàn toàn nhưng sử dụng không đã tay. Nó giống như chiếc 911 của Porsche. Họ tạo ra một sản phẩm tuyệt vời nhưng sai lầm, và phải bỏ ra 50 năm để sửa lỗi lầm đó. Động cơ đặt ở đuôi xe để tạo ra cảm giác sức mạnh của cỗ máy, nhưng đổi lại, nó dễ mất lái một cách khủng khiếp. Trong nửa thế kỷ, Porsche phải trui rèn thiết kế của họ, nâng cấp gần như toàn diện, từ độ dài trục cơ sở, khả năng đánh lái, phanh và hộp số. Giờ chúng ta có 911 GT3 RS, một trong những chiếc xe thể thao được yêu thích nhất.

Đang tải Tinhte_Apple11.jpg…

Apple cũng đang làm điều tương tự với iOS. Họ giữ lại ý tưởng và trui rèn chúng để dễ sử dụng nhất. Và đó chính là công sức của Dye cùng các đồng sự ở Apple. Trong số các đồng sự đó dĩ nhiên có cả Ive.

Dù Ive giống như một huyền thoại, nhưng ở Apple, cả nhóm thiết kế đều ra quyết định chứ không phải của một cá nhân đơn lẻ. Apple không phụ thuộc vào giám đốc sản phẩm cho mỗi dự án đơn lẻ, và quyền lực nằm rất nhiều trong tay những người thực sự xắn tay áo lên làm việc. Vì thế, Jony Ive ra đi, Apple vẫn sẽ hoạt động như bình thường.

Vẫn là câu hỏi đó, Apple, hay chí ít là mảng thiết kế của Apple thời hậu Jony Ive sẽ như thế nào?

Đang tải Tinhte_Apple7.jpg…

Nhiều người kỳ vọng rằng, Apple sẽ cân bằng những chi tiết thiết kế đã khiến họ nổi danh với những trường phái mới trong thiết kế. Không một công ty nào nên dựa hoàn toàn vào thành công trong quá khứ để bước tiếp. Ở thời điểm hiện tại, những trường phái thiết kế mới đã và đang hiện diện, sử dụng AI hay công nghệ để tạo ra những hình mẫu mới, thứ mà quá trình thiết kế thông thường bằng bàn tay khối óc không thể làm được. Hợp tác với những nhà thiết kế tự do cũng khiến một công ty có góc nhìn mới, hiểu thêm về chất liệu, đường nét và sản phẩm họ đang lên ý tưởng, từ đó tạo ra những sản phẩm thực sự có ích cho người dùng. Apple không loại trừ khả năng cũng sẽ đi theo xu hướng đó.

Ở văn phòng cũ của Apple, có một câu nói của Steve Jobs được ghi lại: “Nếu bạn làm được một thứ tốt, bạn nên tiếp tục làm thứ tuyệt vời tiếp theo, đừng vin vào quá khứ quá lâu. Chỉ cần tìm cách xác định xem kế tiếp nên làm gì là được.” Đó cũng chính là thứ mà bất kỳ fan của Apple nào cũng đang trông đợi.

Viết bình luận của bạn

Hỏi đáp - Bình luận

Nội dung bài viết